Các lò mật làm từ mía thơm ngon nức tiếng xứ Thanh đang đỏ lửa vào vụ phục vụ du khách gần xa những ngày giáp Tết Nguyên đán Bính Thân.
Những ngày cuối năm, người dân ở các xã Thạch Bình, Thành Kim và Thạch Sơn (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) lại tất bật với công việc thu hoạch mía về làm mật. Các lò nấu luôn hoạt động hết công suất để phục vụ khách hàng. Ở Thanh Hóa, mật mía ở các xã của huyện Thạch Thành và làng Đồng Trạ, xã Cẩm Phong, huyện Cẩm Thủy nổi tiếng. Mía nơi đây luôn xanh tốt, thân chắc, mềm và ngọt lịm do được trồng trên đất đỏ bazan.
Với người miền Trung, đặc biệt là ở Thanh Hóa, mật mía không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền. Sản phẩm để nấu món chè tiễn ông Táo về trời, hay dùng để làm bánh gai, bánh mật.
Theo chị Phạm Thị Nguyên (54 tuổi, xã Thạch Bình), nghề làm mật mía có từ những năm 60 thế kỷ trước. Đây là mảnh đất do cư dân xã Hoằng Lý, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) lên định cư rồi mang theo nghề. Từ đó, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia. Mỗi lít mật mía đều
trải qua nhiều công đoạn, tốn công sức. Ông Bùi Văn Tư (50 tuổi) kể, xưa kia phải dùng sức người, cả trâu bò để quay trục ép nước. Từ khi có máy ép, công việc của họ mới đỡ vất vả hơn.
Ép xong nước mía là công đoạn chuẩn bị lò củi để nung. Để thành mật, người dân phải nung từ 6 - 8 tiếng mỗi ngày. Luôn phải có người túc trực để vớt váng bọt.
Quá trình nấu mật mía quan trọng nhất là giữ lửa trong lò luôn ổn định. Nếu lửa quá to, tay đảo không đều, mật sẽ dễ bị cháy, lửa quá nhỏ thì công đoạn keo mật sẽ rất lâu.
Vào những ngày này, khách đến với các gia đình nấu mật ở các ngôi làng ở huyện Thạch Thành còn được uống mật pha với nước chè tươi. Vị chát của chè kết hợp với vị ngọt của mật tạo nên hương vị thơm ngon, đặc trưng của vùng quê.
Công đoạn keo mật là công phu, mất thời gian và phức tạp nhất. Người nấu phải đảo liên tục và đều tay. Khi mật sôi, nếu không kịp vớt váng bọt, làm mật bị trào thì sẽ có màu đen và kém thơm ngon.
Khi nước mía chuyển qua sền sệt và có màu nâu vàng, công việc nung mật mới hoàn tất sau nhiều giờ đồng hồ. Mật mía xứ Thanh thơm ngon, hấp dẫn, màu sắc đẹp là hương vị không thể thiếu của người dân miền Trung trong dịp Tết.
Vợ chồng bà Hoàng Thị Tuyên (50 tuổi, ở thôn Yên Thanh, xã Thạch Bình, Thạch Thành) đã có 30 năm theo nghề này. "Mỗi năm tôi chỉ làm được 2 - 3 tháng vụ đông. Nhà tôi có 8 chảo nấu, mỗi ngày sản xuất ra hơn 2 tạ mật. Trung bình mỗi vụ, gia đình tôi thu về 40 - 50 triệu. Nhờ có nghề này, vợ chồng tôi nuôi ba con học hành, thành đạt", bà Tuyên hồ hởi nói.