Tiết kiệm cùng Tikop với lãi suất 6%/năm

Thăm xứ anh đào bên bờ biển

admin

Administrator
Staff member
Phía tây là thành phố Vũng Tàu tươi trẻ bốn mùa nhộn nhịp. Phía Tây bắc sừng sững một dãy núi cao có rừng cây bao phủ là khu di tích lịch sử căn cứ Minh Đạm. Còn đây, Long Hải nằm khiêm nhường với rừng cây anh đào cũng những bãi biển yên bình…
xuanhdao70a1.jpg

Mặc dù đang giữa mùa hè rực lửa, nhưng con đường tới Long Hải chạy dọc biển tiếp nối với rừng cây anh đào thơ mộng khiến người ta thấy dịu hẳn đi. Ở đây, vào mùa xuân, từ trên đèo Nước Ngọt nhìn xuống, bạn sẽ được thưởng ngoạn màu tím trắng của anh đào, màu xanh của rừng và biển. (Vì thế cũng có nhiều người đến Long Hải vào mùa xuân để ngắm rừng anh đào trổ hoa, cây cối đâm chồi nẩy lộc).
Vào buổi chiều muộn, du khách tưởng như mình đang lạc vào một thị trấn miền núi sương khói, đầy ắp không khí mát lành của thiên nhiên. Các khu resort ẩn hiện trước mắt: Anoasis Resort, Long Hải Beach Resort, Thùy Dương resort… Không kiêu kỳ và quá mời gọi, nhưng “cá tính trầm” và sang trọng của chúng lại có vẻ lôi cuốn kỳ lạ, cho người ta cảm giác nhẹ nhàng và thư thái ngay từ những bước chân đầu tiên.
xuanhdao70a3.jpg
Những con thuyền nằm tư lự bên bờ cát yên bình​

Đi qua những resort và bãi đá đèo Nước Ngọt, là biển chạy dài uốn lượn phía Nam chân núi Thùy Vân, hay Kỳ Vân (ngày nay có tên Minh Đạm) với một bên là núi đá, một bên là biển và các bãi đá lô nhô tuyệt đẹp. Bãi biển Long Hải nằm ngay dưới chân Dinh Cô. Truyền thuyết kể rằng, cách đây 200 năm có một cô gái trẻ tên Lê Thị Hồng (tục danh là Thị Cách) quê ở Phan Rang, trên đường đi qua đây thì thuyền gặp giông bão. Cô bị rớt xuống biển tử nạn, xác trôi dạt vào Hòn Hang. Nhân dân vùng này đã chôn cất cô trên đồi Cô Sơn và lập đền thờ gần biển. Từ đó cô luôn hiển linh, mộng báo điềm lành, diệt trừ dịch bệnh nên vào năm 1930 người dân trong vùng đã lập đền thờ và tôn xưng cô là Long Hải Thần Nữ.
Dinh Cô có kiến trúc như một tòa lâu đài bề thế có diện tích 1000m2, nằm bên ngọn sườn đồi nhỏ, trước mặt là bãi cát dài và biển khơi mênh mang sóng nước với những ánh nắng chói chang. Gắn với Dinh Cô là di tích Mộ Cô, nằm trên đồi “Cô Sơn”, cách Dinh Cô chừng l km. Mộ Cô cũng thu hút nhiều người đến thăm viếng. Hàng năm, vào các ngày 10, 11, 12 tháng 2 âm lịch ngư dân Long Hải mở lễ hội Dinh Cô (còn gọi là vía Cô). Đây cùng là một trong lễ hội lớn nhất ở Nam Bộ.
Bước chân dạo trên bãi biển khi hoàng hôn xuống, ánh mặt trời chói chang chuyển dần thành những tia màu vàng úa. Biển chiều lộng gió và thanh bình đến khó tả. Có lẽ vì vậy mà ngay từ thế kỷ 19, 20, các ông chủ đồn điền cao su, chủ ngân hàng, các triệu phú của đất Sài Gòn đã về Long Hải mua đất xây lâu đài, biệt thự làm nơi tắm biển và nghỉ dưỡng cuồi tuần. Vua Bảo Đại cũng từng chọn Long Hải để xây dinh nghỉ mát. Trên ngọn đồi nhỏ giữa thị trấn Long Hải vẫn còn toà Bạch Dinh hướng ra biển của vị vua cuối cùng triều Nguyễn...
Không hề thấy còn dấu vết của sự ồn ào, nhộn nhịp như “ông hàng xóm” Vũng Tàu, Long Hải như một thiếu phụ thật khiêm nhường, khiêm nhường từ những ngọn sóng không quá cao, quá lớn; khiêm nhường với những con phố hiền lành chạy dài đủ bóng cây xanh; khiêm nhường với không khí trong lành của rừng tiếp biển. Tôi chưa bắt gặp ở bãi biển nào những bước chân chậm rãi với nét mặt thư thái như ở nơi này. Hình ảnh một ông bố dắt tay con trai đi dọc bờ biển làm tôi bỗng nhớ tới bài thơ Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông, một khoảnh khắc không dễ gì có được trong cuộc đời mỗi người:
7a2xuanhdao70a2.jpg
Bãi đá Đèo Nước ngọt với những mỏm đá bị bào nhẵn bởi sóng gió, mang một trầm mặc​

Hai cha con bước đi trên cát/ Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh/ Bóng cha dài lênh khênh/ Bóng con tròn chắc nịch.../ Cha lại dắt con đi trên cát mịn/ Ánh nắng chảy đầy vai/ Cha trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời/ Con lại trỏ cánh buồm xa khẽ hỏi:/ "Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé/ Để con đi...."/ Lời của con hay tiếng sóng thầm thì/ Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm?...
Chiều cuối tuần, Long Hải dường như đông hơn, bởi người Sài Gòn thường chọn Long Hải để tận hưởng nắng gió trong lành và thưởng thức đồ biển tươi giòn. Hải sản ở đây nổi tiếng tươi ngon bởi các bãi biển nằm sát bên những làng chài ra khơi đánh lưới mỗi ngày. Du khách có thể tận tay lựa những chú ghẹ, tôm sú đang bơi trong bể ở vựa đồ biển rồi chờ chế biến, hoặc ngồi thưởng thức những con tôm con mực tươi rói nướng thơm lừng bên các bếp than đỏ rực của các gánh hàng rong trên bãi cát.
Trước khi rời Long Hải, tôi quay trở ra bãi đá Đèo Nước Ngọt vì muốn đi lại con đường chạy giữa rừng cây anh đào thêm lần nữa, và cũng để được ngồi trên những mỏm đá ngắm đại dương lần nữa. Dù cũng là bãi cát và biển cả, cũng là những cánh buồm lộng gió, nhưng những mỏm đá bị bào nhẵn bởi sóng gió, nhuốm màu thời gian khiến cho bãi biển này mang một vẻ trầm mặc. Cũng có thể là bởi những con thuyền về bến nằm tư lự bên bờ cát… Ngoảnh lại đằng sau, con đường quanh co chạy giữa rừng cây anh đào vắng vẻ, tưởng như mình đang đứng ở cao nguyên hùng vĩ.
Biển ở nơi nào mà chả giống nhau, tôi vẫn thường nghe như thế. Nhưng riêng với Long Hải thì không, một bãi cát trầm mặc như những ánh nhìn xa xăm, một biển bình yên, hiền hòa và tự nhiên như ngàn năm vẫn thế.
Vì thế, vẫn mong một ngày quay trở lại Long Hải.
 
Top