thainguyeninfo™
Senior Member
Chị Nguyễn Hồng Đào (đi trước) trên đường tìm măng.
Khách dừng chân mua măng ngay đường lên Suối Đá (huyện Tân Thành).
Mùa măng ở Bà Rịa-Vũng Tàu bắt đầu từ tháng 7 và kéo dài đến khoảng tháng 10 âm lịch hàng năm. Vào mùa măng, nhiều người dân sống quanh khu vực núi Lớn (TP.Vũng Tàu), núi Dinh (huyện Tân Thành) lại tranh thủ lên núi bẻ măng về bán kiếm thêm thu nhập để lo cho con cái ăn học, cải thiện bữa ăn dù công việc đôi khi rất nguy hiểm.Chị Nguyễn Hồng Đào (58 Vi Ba, TP.Vũng Tàu) nhớ lại, cách đây khoảng 20 năm, khu vực núi Lớn rất ít nhà cửa. Người dân đến đây khai hoang cất nhà rồi bám rừng kiếm sống. Trên triền núi Lớn, cây le mọc rất nhiều nên nhiều người nghèo đều sống nhờ nghề hái măng le đi bán. Mỗi mùa măng, ngoài chi tiêu hàng ngày, chị Đào cũng dành dụm được 2 - 3 triệu đồng. Năm nay, măng ít, những người sống bằng nghề hái măng le chuyển sang làm thuê làm mướn. Cả khu vực này chỉ còn 3-4 gia đình đi lấy măng nhưng lặn lội từ sáng sớm đến tận trưa, đi hết núi Lớn cũng chỉ được vài kg.
HÀNH TRÌNH TÌM MĂNG
5 giờ, tôi cùng 2 chị Nguyễn Hồng Đào và chị Nguyễn Bích Cương chuẩn bị đồ nghề để tìm măng. Chị Đào nói mà như dọa tôi: “Cả tuần nay mưa đều, hy vọng măng mọc nhiều nên phải tranh thủ đi bẻ bán kiếm thêm ít tiền trước khi hết mùa. Trên núi cây gai nhiều, lại lắm muỗi bọ, chuẩn bị tinh thần… hiến máu nhé em!”. Đúng 5 giờ 30, chúng tôi xuất phát. Từ phía sau nhà chị Đào, chúng tôi trực chỉ đỉnh núi Lớn thẳng tiến. Dư âm của trận mưa đêm trước vẫn còn đọng lại trên nhánh cây ngọn cỏ, đường trơn trợt khiến tốc độ leo núi của chúng tôi hơi chậm. Càng lên cao, đường càng dốc, những tảng đá lớn hình thù kỳ dị xuất hiện chắn ngang lối đi, chúng tôi phải kết hợp nhiều tư thế: bò, trườn, lết mới vượt qua được các chướng ngại vật. Muỗi rừng, cuốn chiếu, sâu bám đầy cây, cành, chỉ cần dừng lại vài giây là hàng chục con muỗi đói bu đầy người.
Leo tới lưng chừng núi, chúng tôi gặp được bụi le đầu tiên. Bụi le rất lớn, thân đan vào nhau chằng chịt phải đến 2 vòng tay người mới ôm xuể. Rẽ các nhánh le ra tìm kiếm, chị Cương nói: “Trước đây, một bụi le lớn thế này ít nhất cũng có 5-7 búp. Nhưng hôm nay, tìm mỏi cả mắt chẳng thấy búp măng nào. Tình hình này chắc lại về tay không thôi”. Nói rồi, chị Đào và chị Cương chia làm hai ngả, hẹn gặp nhau lúc về tại con đường mòn lên đài ra đa.
Rừng núi âm u, vắng vẻ, chỉ có hai thứ cây là nhiều nhất là le và cây dại. Le dày đặc, sà xuống sát mặt đất, cành lá đan vào nhau tựa những tấm lưới gai, người đi hái măng chỉ cần sơ sẩy là có thể bị cào rách da, thậm chí bị đâm vào mắt. Chị Đào lần mò hết bụi le này đến bụi le khác, thỉnh thoảng mới bẻ được vài búp. Những đọt măng cuối mùa ốm nhom nhú lên từ đám lá khô hoặc trong các hốc đá, phải thật tinh mắt mới thấy được. Chị Đào cho biết, đi núi mùa này sợ nhất gặp rắn và ong. Bản thân chị đã hai lần bị rắn cắn nhưng may mắn là nhập viện kịp nên không nguy hiểm đến tính mạng. “Mình cứ cắm cúi tìm măng dưới đất. Ong làm tổ ngay trên đầu mà không thấy. Có lần bẻ được một bao măng đầy thì bị ong gí đốt, phải bỏ cả bao măng tháo chạy thoát thân, đến khi quay lại thì bao măng đã không cánh mà bay”, chị Đào kể.
Mặt trời đứng bóng, cũng là khi chiếc bao trên vai chị Đào đã khá nặng. Xốc lại bao măng trước khi xuống núi, chị Đào nói: “Như vậy cũng đã khá lắm rồi. Hôm nay khách đặt 3kg đem đi Sài Gòn, chừng này dư sức giao cho khách rồi”.
CẢI THIỆN CUỘC SỐNG
Măng là loài rau sạch, dễ kết hợp với các loại thực phẩm khác trong chế biến món ăn nên được nhiều người ưa chuộng. Vì vậy, người bán măng không bao giờ sợ bị… ế. Anh Lê Hoàng Dũng (nhà ở số 60 Vi Ba, TP.Vũng Tàu) cho biết, từ đầu mùa măng đến giờ, hai vợ chồng anh bẻ ít nhất cũng được 5kg măng/ngày. Sau khi lấy măng về, anh chị đem lột vỏ, luộc sơ rồi bày bán ngay đường lên núi cho những người đi tập thể dục mà chẳng bao giờ phải đem ra chợ.
Tùy theo sở thích của khách hàng, người bán măng phân măng thành phẩm ra làm hai loại: măng đọt và măng khúc. Măng đọt mềm, non; măng khúc hơi cứng nên có độ giòn. Giá hai loại này thường chênh nhau từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Cũng giống như những loại thực phẩm khác, giá bán măng cũng biến động theo từng thời điểm. Măng đầu mùa thường non, mập và khó kiếm hơn nên giá cao hơn, có thể lên đến 60.000 đồng/kg. Khi mưa nhiều, măng mọc rộ thì giá lại giảm xuống, chỉ còn từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Thời điểm này măng đang hiếm dần nên giá có nhích lên đôi chút.
Nguồn thu từ nghề hái măng đã giúp nhiều gia đình bớt khó khăn. Anh Lê Hoàng Dũng cho biết: “Những năm trước sau mỗi mùa măng hai vợ chồng tôi cũng dành dụm được vài triệu đồng để chi tiêu. Năm nay, măng hiếm lại thêm cậu con trai đầu lòng vừa vào lớp một, chi tiêu nhiều hơn nên kiếm được ngày nào tiêu hết ngày nấy. Tôi hy vọng từ đây đến hết mùa, mỗi ngày kiếm được vài kg để có đồng ra đồng vào”.
Với chị Lương Thị Rõ (thôn Chu Hải, xã Tân Hải, huyện Tân Thành thường hái măng ở Núi Dinh), sau khi chồng bỏ đi, một mình chị phải lo cho 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn nên công việc hái măng cũng giúp chị có thêm một khoản tiền tích lũy khi có việc cần. “Là phụ nữ phải trèo núi, vượt rừng tuy khá nguy hiểm nhưng so với công việc buôn ve chai hiện tại của tôi thì đi hái măng dễ kiếm tiền hơn. Măng rừng như thứ lộc của trời ban cho những người nghèo, nên còn sức khỏe mỗi năm tôi vẫn cứ bám núi, bám rừng kiếm sống”, chị Rõ nói.
Các loại cây thuộc họ tre đều cho măng như: lồ ô, nứa, tre, giang… Trên những ngọn núi của Bà Rịa-Vũng Tàu có các loại măng: măng le, măng lồ ô, măng tre… Tuy nhiên, theo nhiều người, măng le ngon nhất bởi có độ ngọt, giòn. Măng giàu chất xơ, có thể chế biến thành nhiều món như: luộc, hầm giò heo, thịt gà, xào lòng gà, lòng heo, nấm mèo, nấm hương, nấu với cá, bóp chua... Tuy nhiên, trong măng tươi có chứa chất độc, nên trước khi chế biến cần phải luộc chín măng tươi, không đậy nắp cho chất độc bốc hơi.
Bài, ảnh: Minh Hiền
sưu tầm :baobariavungtau.com
sưu tầm :baobariavungtau.com